Gương sáng từ người nông dân đổi mới sáng tạo

Lấy chất lượng sản phẩm làm gốc

Ông Hoàng Văn Tuấn, sinh năm 1983, ở thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế được nhiều người biết đến không phải vì ông là Giám đốc một Hợp tác xã sản xuất phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, mà vì ông luôn tâm huyết, gắn bó và có thời gian dài tham gia các phong trào của Hội Nông dân và sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Ông luôn hết mình với công việc, gương mẫu đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, sát cánh các hội viên nông dân cùng làm giàu.

Ông Tuấn chia sẻ, sau nhiều năm theo dõi, tìm tòi và nhận diện ra được lợi thế là địa phương có tiềm năng canh tác các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Nhìn ra điểm sáng đó, một mặt ông đã chủ động liên hệ Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt nam đồng thời vận động bà con tại địa phương thay đổi phương thức cách canh tác truyền thống sang trồng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Kết quả mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa và rau theo phương cách cũ. Thấy vậy, bà con trong thôn đã tìm đến học tập kinh nghiệm.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau và lúa hữu cơ là xu hướng phát triển tất yếu, từ năm 2019, ông Tuấn tập hợp được gần 30 hộ dân trong 2 thôn Dưỡng Mong và Phước Linh thành lập Tổ sản xuất lúa và rau hữu cơ do ông làm Tổ trưởng. Tại biền Dưỡng Mong, ông Tuấn tổ chức trồng rau hữu cơ các loại, với diện tích 14 sào, được trồng 03 vụ quanh năm. Tại thôn Phước Linh, tiến hành trồng lúa hữu cơ (giống lúa JO2), với diện tích 5 ha và trực tiếp điều hành từ khâu mua giống, theo dõi lịch gieo trồng, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, kiểm tra nhật ký, đóng gói, nhãn hiệu bao bì, truy xuất nguồn gốc, rồi tìm kiếm kết nối các điểm tiêu thụ… trước khi phân phối đến điểm tiêu thụ sản phẩm; bình quân mỗi năm bao tiêu hàng trăm tấn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho bà con nông dân.

Ông Hoàng Văn Tuấn khẳng định, để mô hình này phát huy được vai trò và hiệu quả, phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, việc xác định hướng đi cũng như tinh thần đoàn kết của các thành viên tham gia là rất quan trọng. Thực tế cũng cho thấy, nhờ có nguồn thu ổn định từ sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và lợi nhuận hoạt động kinh doanh từ hợp tác xã, đời sống kinh tế của người dân trong 2 thôn Dưỡng Mong và Phước khấm khá  hơn.

Và những thành quả ngọt

Với những nỗ lực của ông Hoàng Văn Tuấn và các thành viên, Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Mỹ 1 được Chủ tịch UBND huyện Phú Vang tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác nông nghiệp và phát triển nông thôn” trong 02 năm liền (năm 2021 và 2022); Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt nam tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt nam năm 2022, và nhiều giấy khen khác.

Ông Hoàng Văn Tuấn là một tấm gương điển hình cho mẫu hình người nông dân có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy nhận thức canh tác, sản xuất nông nghiệp. Với độ tuổi trên 40, việc đầu tư nghiên cứu, học tập kiến thức khoa học còn có những hạn chế nhất định, nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, sự cần cù, ham học hỏi và nhất là tinh thần trách nhiệm với bà con nông dân ở địa phương, ông Tuấn đã mạnh dạn vận động bà con chuyển đổi mô hình canh tác và đem lại thành công.

Mô hình sản xuất rau và lúa hữu cơ tại Hợp tác xã nông nghiệp Phú Mỹ 1 do ông Hoàng Văn Tuấn làm đầu tàu đã được công nhận là mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh là tấm gương sáng về phát triển kinh tế, gia đình ông cũng luôn gương mẫu, thường xuyên vận động bà con nông dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, tích cực hưởng ứng các phong trào do Hội Nông dân và địa phương phát động. Với những việc làm thiết thực, hiệu quả, nhiều năm liền gia đình ông Tuấn đạt danh hiệu gia đình văn hóa và được bà con trong khu dân cư quý mến.

Vui lòng chờ